ọc anh: − Hai người tình tứ quá há, Cưng thấy hết rồi. Lại còn đi đến gần giờ cúp điện mới chịu về. Anh nổi nóng quát lên với cô: − Cưng dẹp ngay cái trò này đi nghe. Lần sau đừng có kéo anh vào, anh không có thích đâu. Cô bạn của Cưng chưa tới đất Mỹ mà đã bạo dạn qua mức rồi. − Ơ! Sao anh lại nổi nóng với Cưng vậy? Anh không thích thì thôi. Tại Cưng thấy Lynn cũng là Mỹ lai như anh, hai người cũng xứng đôi nên Cưng mới giới thiệu đó chứ. Mà nó làm sao mà anh bảo là bạo? Lynn là Mỹ lai nên nó rất tự nhiên, bộ anh không thích nó vậy sao? − Cưng sống với anh hồi nào đến giờ mà không biết anh thích ai sao? Bản tính của cô ta không có hợp với anh đâu. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của cô, anh đành dịu giọng: − Thôi đi ngủ. Từ rày về sau đừng có tài khôn như vậy nữa nghe chưa. Sau đó mấy ngày, anh làm ra vẻ tình cờ hỏi cô: − Diễm này, trong lớp bộ không có anh chàng nào để ý Cưng sao mà anh không thấy có ai đến tìm Cưng vậy? − Ư, cũng có đó chứ, nhưng Cưng nói là anh Hai của Diễm khó lắm, Diễm không bảo đảm là mấy người tới được hoan nghênh đâu nghe, bị đuổi về ráng chịu. Lại thêm nhỏ Lynn nói vô là anh Hai của Diễm nhìn đẹp trai nhưng hay quạu và lạnh như cục đá làm tụi nó cũng rét. Với lại Cưng cũng không thích được bắt bồ đâu nghe, còn phải qua Mỹ và học hành nữa. Tình tỵ nạn đâu có bền đâu. − Vậy nói thiệt cho anh nghe, hồi ở bên nhà em đã có ai để ý chưa? − Cái anh này kỳ, người ta mới vừa học xong mà. Học gần chết, còn dám để ý gì nữa chứ! Im lặng một lát, Diễm hỏi lại anh: − Anh Hùng có biết Nguyên không? Nguyên mà có mẹ có sạp vải gần mẹ Cưng đó? − A, anh chàng Nguyên học cùng lớp với Cưng đó hả? Biết chứ, đi lấy hàng chung với anh hoài mà. − Anh thấy Nguyên ra sao? − Sao bây giờ lại hỏi anh? Hắn có vẻ ngoài cũng đẹp trai lắm đó. Nhưng tính tình thì... có vẻ là sẵn sàng làm tất cả để đạt đến mục đích của mình. Ê, sao có vẻ quan tâm quá vậy? Để ý đến hắn à? Bỗng nhiên anh cảm thấy một nỗi lo lắng mơ hồ, nhưng khi Diễm đỏ mặt la lên: − Anh này kỳ, người ta chỉ hỏi vậy thôi mà hỏi lại cả một tràng. Chỉ là bạn học thôi mà, Nguyên cũng có viết thư hỏi thăm Cưng nên Cưng hỏi anh có biết Nguyên không vậy thôi. thì anh không lo lắng nữa. Chắc chỉ là mối tình học trò thôi, mà bây giờ hai người ở xa nhau như thế này thì chắc chắn là không thành rồi. Ai chứ cái anh chàng Nguyên này không hiếm các cô gái say mê vì cái vẻ ngoài đẹp trai, chắc gì lại để ý đến Diễm chứ...Và cuộc sống của hai người cứ theo nếp cũ khi trường học mở cửa lại. Cả hai đã cùng qua 8 tuần học tiếng Anh và học văn hóa Mỹ. Tiếng Anh và văn phạm của Diễm ngày càng khá lên, bây giờ anh đang khuyến khích cô tập nói bằng tiếng Anh với anh khi ở nhà. Anh cũng mượn được nhiều sách từ thư viện AT cho cô đọc. Mục đích của anh là muốn cô sẽ hội nhập thật mau khi đến Mỹ, mà ngôn ngữ sẽ là trở ngại lớn nhất nên anh tranh thủ trau dồi cho cô càng nhiều càng tốt. Trong những ngày ở trại, anh đưa được cô ra Manila và đến biển Morong ở gần đó khi trường AT tổ chức cho mọi người đi tham quan. Cô đã nắm lấy tay anh khi đi trên đường phố đông người ở Manila và đã dựa đầu vào vai anh mà ngủ say trên đường về. Một ngày tắm biển đã cho cô một nước da rám hồng và trông cô thật khỏe mạnh vui vẻ hẳn ra. Anh thật mừng khi thấy cô vui vẻ như vậy. Ít nhất anh đã thực hiện được một phần lời hứa của mình khi làm cô vơi bớt nỗi nhớ mẹ và sống hạnh phúc như thế này. Chương 8 Thấm thoát rồi cũng gần đến ngày rời trại. Hùng và Diễm đã trải qua một Giáng Sinh, Năm mới và Tết Việt Nam trên đất Phi này. Mẹ cô nhân có người quen cũng từ Việt Nam đến trại này nên đã gửi cho hai người chút ít mứt me, mứt mãng cầu và hạt dưa. Lại có người Việt ở đây nấu bánh chưng bán kiếm thêm tiền nên cô cũng qua một cái Tết đầu tiên xa gia đình với đầy đủ mứt, bánh chưng, thịt kho, dưa giá. Chỉ còn một tuần nữa là khóa học 6 tuần WO (khóa học giới thiệu về những việc làm ở Mỹ) chấm dứt. Mọi người đang tíu tít chuẩn bị hành trang cho ngày lên đường vào đất Mỹ. Một tuần hai lần đều có danh sách của những người được sắp xếp chuyến bay và ngày lên đường. Vì không có thân nhân bảo lãnh, hai người đều không thực sự chuẩn bị vì không biết mình sẽ về đâu. Hai tuần sau, tên anh và cô cũng có trong danh sách rời trại vào tuần sau đó, và hai người được một hội Tin Lành bảo lãnh về một tiểu bang ở miền Bắc. Anh đã đến thư viện, tìm tài liệu để đọc và biết trước về nơi sẽ đến. Thành phố này có vẻ ít hỗn độn hơn so với tiểu bang California hay những nơi đông người Việt sinh sống khác và việc làm có vẻ cũng ổn định hơn. Hai người cũng tất bật cho việc gói ghém hành lý, thu dọn lại nhà cửa cho những người đến sau. Thật may mắn là cô vẫn còn giữ được hơn phân nửa số dollar mà mẹ đã bọc theo cho cô. Cô không lo nghĩ gì đến nơi ở mới mà chỉ lo làm sao có tiền để mua tem gửi thư về cho mẹ cô và Nguyên. Hành lý của cô bây giờ nặng thêm hơn với những lá thư của mẹ cô và Nguyên gửi. Cô đã không chịu đốt đi khi rời khỏi nơi này mà nâng niu từng lá một. Còn hành lý của anh thì có phần ít hơn so với lúc từ Việt Nam đi vì không còn những ký tỏi, tôm khô, lạp xưởng nữa. Nhờ vậy mà cô có thể ké một phần hành lý của mình qua bên anh. Hai người cũng đã bán lại cái thùng phuy đựng nước, hai cái thùng nhôm hành lý đem theo từ Việt Nam và mua hai cái túi đựng hành lý thay vào cũng như đổi được từ tiền peso ra thêm được 30 dollar, tăng thêm vốn liếng của họ đến đất Mỹ là 130 dollar trong túi. Chặng đường cuối cùng này, Diễm không còn thấy sợ hãi như chặng đường trước nữa. Cô đã có anh đồng hành, chở che và lo lắng cho mình. Diễm tin chắc rằng với nghị lực của anh, cô có thể nương theo anh mà bước đi không sợ gì cả. Rồi ngày lên đường cũng đến, cô đã khóc sướt mướt khi chia tay với bé Hà. Gia đình của Hà cũng sẽ rời khỏi trại vào tuần sau, cả hai đã trao đổi địa chỉ cho nhau, nhưng cô biết rằng rồi đây sẽ rất khó có cơ hội gặp lại khi đến Mỹ. Bạn bè của cô và của anh cũng ra tiễn, địa chỉ trao đổi qua lại như bươm bướm với lời hứa hẹn sẽ cố gắng giữ liên lạc với nhau. Xe từ từ lăn bánh rời khỏi trại, cô nhìn qua làn nước mắt như cố ghi lại lần cuối cảnh tượng của trại, tay cô bất giác nắm lấy tay anh và bàn tay còn lại của anh quàng qua ôm vai cô như muốn cho cô thêm sự an tâm cho cuộc lên đường này. Hai người đến nơi định cư vào những ngày đầu tháng tư. Đã vào cuối mùa xuân rồi nhưng không khí vẫn còn khá lạnh với những người lần đầu tiên đến từ xứ xích đạo này. Hội Tin Lành ở đây đã mướn sẵn cho hai người một căn apartment rẻ tiền với tiền mướn trả trước trong 3 tháng. Trong nhà cũng có sẵn một số đồ cũ do giáo dân nhà thờ đem đến như một cái giường cũ với mền gối, một cái bàn ăn với hai cái ghế và một cái sofa nhỏ. Cũng có một chút ít thức ăn để sẵn trong tủ lạnh, dụng cụ nhà bếp và quần áo ấm cũ. Nhưng khi đưa lên để ngắm thì mọi người cười bò ra vì nó quá thùng thình với cô. Thấy vậy bà mục sư hứa sẽ dẫn cô đến Goodwill để tìm cho cô vài bộ đồ cũ vừa với vóc người của cô. Hai ông bà mục sư tỏ ra vui mừng vì họ có thể hiểu được tiếng Anh khá thông thạo so với những người trước đây, tuy nhiên khi nói thì vẫn phải lập đi lập lại vài lần, đôi khi phải viện trợ cả đến tay chân và giấy viết để làm cho hai ông bà có thể hiểu được. Sau khi hai ông bà mục sư ra về và hẹn ngày mai sẽ đến đưa họ đi làm giấy tờ, anh mau chóng sắp xếp chỗ ngủ cho hai người, ưu tiên cho cô ở trong phòng, còn mình thì chiếm chỗ ở ghế sofa. Cô thích thú đi khám phá, tập làm quen với những tiện nghi trong nhà và reo to lên khi phát hiện ra một chai nước mắm trong nhà bếp: − Anh Hùng ơi, vậy là mình sống được rồi. Cưng cứ sợ sẽ không có nước mắm để kho thịt cá. Ông bà mục sư này người Mỹ nhưng thấu hiểu dân Việt Nam mình quá xá đi. Anh bật cười trước vẻ hý hửng của cô: − Những chuyện quan trọng khác không lo như đi tìm việc làm, tìm trường học... mà chỉ lo không có chai nước mắm. Cưng thiệt là... − Ý, những chuyện đó có anh lo rồi, Cưng chỉ việc làm theo anh thôi. Còn chuyện nấu nướng bếp núc này là của Cưng chứ bộ. Nghe cô nói, anh cảm thấy sung sướng vô cùng. Cô xử sự như một người vợ Việt Nam đảm đang, chỉ biết lo lắng việc nội trợ trong nhà mà giao phó những việc lớn cho người đàn ông là trụ cột của gia đình gánh vác. Rồi anh cũng nhanh chóng tìm được việc làm ở một hãng tiện do lời giới thiệu của ông mục sư. Còn cô thì trong lúc chờ đợi trường học khai giảng vào mùa thu, cũng đòi đi làm để phụ với anh. Mặc dù khi đến Mỹ, cô mới 19 tuổi, vẫn còn đủ tuổi đi học High School nhưng cô không muốn phí thời gian của mình mà muốn vào học ở Đại Học Cộng Đồng liền. Bà mục sư sắp xếp cho cô công việc làm ở một tiệm bán bánh cho đến khi cô vào học toàn thời gian trong trường thì sẽ chuyển qua làm hai ngày cuối tuần. Hai người tìm mua được một chiếc xe cũ nhưng còn tốt do một giáo dân bán rẻ lại cho với toàn bộ tháng lương đầu tiên của cả hai. Chương 9 Cuộc sống dần dần đi vào ổn định. Anh và cô đều tất bật quay cuồng với việc làm và việc học của họ. Qua công việc ở tiệm bánh, cô đã nhanh chóng hoàn thiện được cách đối thoại của mình, tuy vẫn còn phải quơ tay quơ chân trong một vài dịp. Hùng đi làm vào ban ngày và ghi danh học ở Đại Học Cộng Đồng vào ban đêm. Anh muốn gấp rút hoàn tất được chương trình học ngắn hạn để có thể tìm được một việc làm tốt hơn. Cho nên anh rời nhà từ lúc còn tờ mờ sáng và đến khuya mới về đến nhà. Diễm thì cũng ghi danh vào học ban ngày ở Đại Học Cộng Đồng, cô cũng gặp khó khăn cho các lớp học của mình, nhưng với sự chăm chỉ và cố gắng hết sức mình cô cũng vượt qua được và được điểm cao. Hơn một năm sau, Hùng lấy được bằng Drafting và được nhận vào làm ở một hãng lớn với giờ giấc và công việc nhẹ nhàng hơn cũng như tiền lương khá hơn rất nhiều. Cuộc sống hai người giờ đây được thoải mái hơn về tiền bạc, họ dọn vào một apartment khang trang với hai phòng ngủ. Anh vẫn tiếp tục đến trường vào buổi tối, mục đích của anh là phải lấy cho được bằng kỹ sư. . Cả hai đều đã chuyển trường vào học ở